Trangha Bạn đời (lược bỏ 1 số đoạn)
1. Hành trình hoàn hảo của vợ:
Có rất nhiều những thứ nhỏ nhặt làm nên một cuộc hôn nhân.
Một ấm trà, một bình sữa cho con, một bữa cơm về muộn, một đề nghị của mẹ chồng, một lời trách móc của bố vợ, một món quà vợ muốn vào dịp sinh nhật, một lần sĩ diện của chồng.
Một lời bình phẩm của bạn bè, một ao ước nhỏ nhoi của con, một ngày đi vắng, một lần giận nhau.
Tất cả những điều nhỏ nhặt ấy lại làm lên một vài thứ rất vĩ đại là hạnh phúc trong cuộc sống, sự cân bằng trong đời sống vợ chồng, sự hài hòa trong tình cảm, sự tôn trọng nhau, phân công công việc trong gia đình. Nó cũng làm nên những thứ trừu tượng hơn như: Quan điểm của chúng ta về đời sống, cách chúng ta nhìn nhận người bạn đời của mình, và yêu người bạn đời của mình.
Bạn đời là hai chữ thật thiêng liêng, nó rưng rưng hơn tên gọi vợ -chồng, nó thắm thiết và sâu nặng hơn tên gọi ông xã, bà xã. Yêu nhau tới mức có thể làm bạn của nhau, làm đầy và làm hạnh phúc cuộc sống của nhau, khiến người kia thấy tự do trong hôn nhân, như thể trong tình bạn, thật hiếm. Bạn đời còn mang theo một hàm ý bao dung. Nếu đòi hỏi trách nhiệm của đối phương, người ta sẽ đặt bạn vào trong các mối quan hệ, gọi tên bạn là chồng, vợ, làm dâu, làm rể, người đàn ông, là người phụ nữ v.v… Chỉ khi bao dung, riêng tư và hạnh phúc, người ta mới gọi là bạn đời.
Và mình biết, có nhiều người không hề yêu đủ nhiều đối với người đang sống cạnh mình, không làm cho người bạn đời của mình thỏa mãn, thấy hạnh phúc.
Có bao giờ những người bạn gái của tôi nhận ra một sự thật rằng: Chúng ta bước vào hôn nhân với cùng xuất phát điểm, mà thành quả của hôn nhân sao khác xa nhau tới thế?
Mươi mười lăm năm trước, những ông chồng này đều là bạn thân của nhau, tính cách quan điểm tương đồng. Thời tuổi trẻ ngông cuồng, ra đường gây sự đâm chém cũng gọi nhau đi cùng, tâm lý bầy đàn như nhau, cưới vợ xong vẫn đàn đúm, bỏ bê bà xã mang bầu, y như nhau. Đều cùng gia trưởng và sĩ diện như nhau.
Và khi đó, chúng ta cũng đều là những nàng dâu mới vụng về như nhau, tôi còn vụng hơn, nghèo hơn và xấu hơn các bạn. Nhưng sau hành trình làm vợ, hôn nhân đã giúp tôi thành đạt hơn xưa, giỏi giang hơn, kiếm tiền nhiều hơn, và tự do tự tại hơn xưa. Hôn nhân cũng giúp ông xã tôi yêu con yêu vợ hơn, thay đổi giá trị sống, và hài lòng với gia đình hiện nay hơn bao giờ hết.
Trong khi ấy, hôn nhân lại thành trách nhiệm của những bạn bè tôi, mà họ thực sự không hài lòng với người đàn ông mà hôn nhân đã nhào nặn lên cho họ, từ người bạn trai yêu họ tha thiết ngày xưa. Và người đàn ông bây giờ của họ cũng vẫn là những chàng trai gia trưởng, sĩ diện, vô tâm mà tôi gặp mười năm trước. Vì sao vậy?
Thực ra, trong lúc những người bạn gái ngồi kể khổ, than thở gánh nặng chồng con gia đình, xả stress, tôi cũng giấu trong lòng một niềm trăn trở.
Tôi chỉ nghĩ về tình yêu. Tôi luôn nghĩ đến tình yêu.
Tôi chỉ quan tâm việc ông xã có yêu tôi không. Và tôi có đủ yêu ông xã không, để nán lại trong cuộc hôn nhân này? Đó mới là những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Chứ tôi hoàn toàn không hề nghĩ gì về việc đánh bạc, tiền nợ, con quấy, chồng có bồ, đại tu nhan sắc bản thân v.v… như những cô bạn kia.
Tôi không lo giữ chồng, vì chồng còn phải lo giữ tôi mới đúng. Nguy cơ sa ngã của chúng ta như nhau kia mà!
Tình yêu là thứ khiến chúng ta chia tay nhau rồi còn quay lại. Tình yêu bằng cách này hay cách khác khiến ta vừa thay đổi vừa hạnh phúc. Chứ không phải thay đổi chỉ vì đã cưới vợ, đã có con, đã có chồng, phải có trách nhiệm nọ kia.
Nhưng nói thế nào cho những bà vợ đang khao khát trở thành vợ đảm, vợ hoàn hảo, vợ làm chồng thỏa mãn sĩ diện, vợ hầu hạ dạ vâng, hiểu được điều đó? Mà không mang tiếng là dạy đời? Đâu phải họ không yêu chồng? Họ còn yêu và chiều chồng gấp nhiều lần tôi là khác! Chỉ là cách của chúng ta khác nhau mà thôi.
Nhưng sự thực tàn nhẫn cho chúng ta biết rằng: Nếu bạn không hề được cảm thông và chia sẻ từ một việc nhỏ nhất, như pha bình sữa cho con, như chạy lên chạy xuống mấy tầng nhà để tự lấy trà, như nấu một bữa cơm, thì có khả năng rất lớn, là khi phải đối diện với những vấn đề lớn hơn của hôn nhân, như ngoại tình, như sự tôn trọng, như kiếm tiền và nuôi con, bạn có nguy cơ phải đón nhận những sự hụt hẫng lớn lao hơn, mà thôi.
Chỉ bởi, bạn đã khiến người đàn ông sống bên cạnh bạn đánh mất thói quen rằng, bạn đang cần đến đôi bàn tay và sự chia sẻ của anh ấy, từ rất lâu rồi.
Từ cái lúc, bạn tự nhận những thứ lặt vặt là bổn phận vô điều kiện của một người vợ, bất chấp chúng ta chỉ có cùng thời gian 24 giờ một ngày, bất chấp chúng ta cũng có những nhu cầu nhỏ nhặt mong được chiều chuộng y như anh ấy!
Vậy đừng phàn nàn khi người chồng bắt đầu cư xử những điều lớn lao với thái độ mà họ vốn có trước những điều vụn vặt. Họ chỉ sống theo quán tính mà thôi. Và chính người vợ hầu hạ dạ vâng mới là người đã tạo nên quán tính ấy!
Hãy để anh ấy trở thành người chồng mà bạn yêu và có thể yêu, chứ đừng khiến anh ấy trở thành chủ nhân của đời bạn.
2. Hành trình hoàn hảo của chồng:
Tôi nhớ lại những sự chỉ trích tôi đã phải chịu đựng, rất phũ phàng, khi tôi để chồng nuôi con một mình. Để tôi đi tìm kiếm những gì tôi muốn có. Thị phi đến từ người thân, bạn bè, hàng xóm.
Và tôi luôn biết giờ đây điều đó đã thay đổi, đến lượt ông xã tôi phải chịu đựng những chỉ trích rất phũ phàng, từ người thân, bạn bè, hàng xóm, khi giờ đây đến lượt tôi một mình nuôi gia đình.
Nhưng điều quan trọng nhất là, trong tất cả những hành trình đó, chúng tôi đều hạnh phúc và tự do. Chúng tôi đều tự nguyện lựa chọn. Chúng tôi đều cùng trưởng thành, đạt được những thành tựu mới mà nếu như không cưới nhau và chung sống, sẽ chẳng hề có.
Vậy, việc xã hội cảm nhận thay ta về… cuộc hôn nhân của ta, có quá quan trọng không? Việc được người khác tung hô là ta rất chiều chồng, ta rất chiều vợ, liệu có quan trọng không? Tôi nghĩ là không. Điều quan trọng là ta có gì trong trái tim và trong cuộc đời ta.
Vào lúc tôi dọn dẹp nhà cửa, xong rồi lên mạng chát chít, làm những việc tôi thích, thì những người bạn gái tụm lại tán chuyện, kêu ca về việc ông xã ham chơi, cứ gặp bạn cũ là sát phạt nhau trên chiếu bạc, bỏ mặc con cái cho họ, thậm chí, có một người bạn gái buồn rầu ngồi riêng một góc chỉ vì đứa con ốm nặng đang quậy phá ở tầng dưới mà ông chồng vẫn bỏ mặc chẳng bận tâm, yên tâm “ngồi đồng” ở tầng trên quên giờ giấc.
Nhưng họ ngồi yên và chịu đựng, mà không hề làm gì!
Những người vợ không hề lên tiếng với chồng rằng, em ghét bài bạc tụ tập của anh! Người vợ không lên tiếng rằng, em đang sốt ruột lắm đây mà phải ngồi chờ anh, trong khi khách khứa nhà mình bỏ mặc, con mình đang ốm, năm mới chưa đi chúc Tết đủ mấy nhà cần đi. Họ không hề bảo chồng rằng, em đang cần anh giúp em chăm con.
Tôi nghĩ ngược lại, chiều chồng không có nghĩa là chịu đựng chồng. Nếu người vợ không nói cho chồng biết mình cần gì, làm sao người chồng có thể tiên tri nổi những điều vợ muốn? Tôi nghĩ, nếu muốn, bạn có thể mang con về trước, làm việc mà bạn muốn làm, hoặc đơn giản nhất là về ngôi nhà của mình, rửa sạch lớp son phấn trên mặt đi, nằm lăn ra giường tự thưởng cho mình mười lăm phút nghỉ ngơi mà bạn cần?
Những ông chồng có cần những người vợ trong lòng phiền muộn và khó chịu nhưng vẫn tỏ ra bề ngoài là chiều chồng và lịch thiệp không? Tôi nghĩ là không.
Phải chăng, có những điều rất nhỏ nhặt, chúng ta đã tự làm khó nhau? Ai xích chân bạn ở trong cái bếp nhà tôi, chỉ vì bạn đã cưới chồng, đang chờ chồng?
Nếu đã không thỏa thuận với chồng được về vụ… tụ tập sát phạt tiêu khiển phí thời gian, thì nghĩa là đã (hoặc có thể) chấp nhận thú vui đó của chồng. Hôn nhân không có đúng sai, không có thắng thua, chỉ có việc, bạn có chấp nhận hay không chấp nhận nổi mà thôi. Nếu không chấp nhận được, hãy nói với chồng. Nếu chấp nhận được, hãy coi mọi việc nhẹ nhàng.
Tập cách nói với người chồng về cảm giác của bạn, những gì bạn đang cảm nhận. Đó là cách giải thích hoàn hảo cho những lựa chọn của bạn tiếp theo.
Chúng ta đang là bạn đời, chúng ta đang sống cùng nhau và tìm kiếm hạnh phúc khi ở bên cạnh nhau. Sự bình đẳng ấy chỉ có được khi ta không chia ngôi ra thứ bậc là Chồng và Vợ. Bởi nếu chia ra, giới tính sẽ khiến ông xã chối đây đẩy việc chăm sóc con, việc chia ngôi thứ thường dẫn tới việc chồng chúa vợ tôi, hoặc ngược lại. Mà cả hai trường hợp ấy, chẳng cái nào có khả năng mang lại cho bạn hạnh phúc.
Không phải hôn nhân là một quá trình thỏa hiệp lâu dài sao, mà trong đó, chúng ta thay đổi để sống cùng nhau lâu dài hơn nữa về sau? Và ta, hoàn toàn có thể thỏa thuận để rồi kết quả là, lúc nào cũng cảm thấy hôn nhân là ràng buộc và nghĩa vụ, ngay cả vào lúc đang đi chơi Tết ở nhà bạn thân. Và ta cũng có thể thỏa thuận để luôn thấy, hôn nhân không hề cản trở chúng ta phát huy bản thân, làm những việc mình có năng khiếu nhất.
Tôi nghĩ, ông xã tôi hẳn sẽ rất sung sướng nếu bỗng nhiên, sáng mai ngủ dậy, tôi có thêm đức tính của một bà vợ chiều chồng vô điều kiện, theo kiểu hầu hạ dạ vâng. Nhưng nếu để đánh đổi tôi lấy một bà vợ hầu hạ dạ vâng, thì tôi tin là ông ấy không!
Vì thực ra, chính ông ấy – bằng hôn nhân – đã tạo nên con người tôi bây giờ! Một người vợ mà ông ấy có thể làm bạn đời, không phải vậy sao?
0 comments:
Post a Comment