"Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được,con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi" - Victor Hugo.You can make a living by what you get, but you can make a life by what you give- Winston Churchill

Thursday, April 25, 2013

MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM ÁP DỤNG TRONG NGHIÊN CÚU KHOA HỌC XÃ HỘI


Xã hội khao khát vị Thần Chân lý có mặt để mọi người sống tốt hơn. Nhà thực chứng tin là có một vị Thần Chân lý, mọi người hãy đi tìm. Nhà diễn dịch phản bác lại rằng, mỗi người đều nhìn thấy một vị Thần Chân lý, vậy hãy đi tìm vị thần được nhiều ngươì nhìn thấy, đó chính là vị Thần Chân lý của xã hội. Mặc kệ họ cãi nhau, nhà phê phán lại khăng khăng cho rằng, vị Thần Chân lý của xã hội chưa chắc đã là thật, còn nhiều vị khác mới đích thị là Thần Chân lý. Biết đâu Thần Chân lý là vị mà chỉ có một hay vài người thấy thì sao? Và nhà phê phán lật ngửa Thần Chân lý lên để bới lông tìm vết… Nhưng bằng cách nào đi chăng nữa, một giọt chân lý được góp vào đại dương kiến thức chính là thành quả đích thực của nhà nghiên cứu.
Kiến thức mà nhân loại có được là thành quả của nghiên cứu. Sự khác biệt Đông – Tây là do xuất phát điểm khác nhau trong quan niệm về nhận thức. Trên nền tảng của triết lý nghiên cứu nổi bật lên ba hệ nhận thức: Khách quan (Objectivism), Tạo dựng (Constructionism) và Chủ quan (Subjectivism). Ba hệ nhận thức này tuy mâu thuẫn nhưng lại bổ sung cho nhau. Trên cơ sở mỗi hệ nhận thức, các luận điểm (Theoretical perspectives) được xây dựng. Từ luận điểm lại hình thành nên các phương pháp luận nghiên cứu (Research Methodologies) và tiếp theo là hình thành nên các phương pháp nghiên cứu (Research Methods).
1. Nghiên cứu khoa học
Đối với nhiều người, nghiên cứu là một khái niệm rõ ràng. Đó là một quá trình có tính chất hệ thống nhằm để quan sát, giải thích hoặc khám phá nhằm tạo dựng nên sự thật, chân lý hoặc đưa ra các kết luận. Nghiên cứu trong khoa học xã hội là áp dụng quá trình trên nhằm để hiểu về quan hệ và ứng xử của con người trong xã hội. Nghiên cứu tạo ra kiến thức.
Ngược lại với khái niệm rõ ràng về nghiên cứu, việc triển khai một quá trình nghiên cứu hoặc cách tiếp cận trong nghiên cứu lại có thể là một vấn đề gây tranh cãi. Trong cùng một trường hợp hoặc một hiện tượng được nghiên cứu, không chỉ có nhiều quá trình và cách tiếp cận khác nhau mà ngay cả các kết luận đưa ra cũng có thể rất khác tuỳ vào phương pháp tiếp cận và cách thức tiến hành nghiên cứu.
2. Thực chứng luận (Positivism)
Những người tin vào thực chứng luận cho rằng nghiên cứu trong khoa học xã hội có thể áp dụng tương tự như trong khoa học tự nhiên. Với mục đích tìm kiếm những quy luật tổng quát, những sự thật hiển nhiên và những lý thuyết khách quan (value excluded theories), các nghiên cứu thực chứng khởi xướng bởi Comte (1798 – 1857) và phát triển bởi những người kế thừa ông đã có thời giữ vị trí thống trị trong khoa học xã hội. Điều này có thể hiểu được bởi vì triết học và sau đó là khoa học tự nhiên phát triển từ rất sớm và có vai trò độc tôn trong thời kỳ đầu của lịch sử nghiên cứu khoa học. Khi chuyển sang nghiên cứu xã hội, một số nhà khoa học tự nhiên đã vận dụng luôn phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học tự nhiên vào khoa học xã hội và có thể nói đã có những đóng góp nền tảng cho khoa học xã hội.
Những nhà thực chứng tin rằng thế giới loài người, tương tự như thế giới tự nhiên, hoạt động theo trật tự và có một sự thật khách quan tồn tại trong nó để có thể được khám phá thông qua việc quan sát, làm thực nghiệm hoặc so sánh. Thực chứng nguyên thủy tìm kiếm sự tuyệt đối, sự tin chắc và trật tự logic (absoluteness, certainty and order). Nhận thức luận khách quan (Objectivist Epistemology) bao trùm thực chứng luận, do đó giá trị nền tảng của các nghiên cứu thực chứng là tính khách quan.
Về sau, thực chứng luận chia làm nhiều hệ phái. Ví dụ như thực chứng Logic (Logical positivism) bổ sung thêm nguyên tắc kiểm chứng (verification principle). Theo hệ phái này, kiến thức chỉ có nghĩa sau khi đã được kiểm chứng bằng kinh nghiệm (hoặc dữ kiện có nghĩa – sense data, Crotty, 1998) và những khái niệm có thể phân biệt được. Các lý luận siêu hình, đạo lý, mỹ học và tôn giáo không chứa đựng các dữ kiện nhận biết được và vì thế, bị loại bỏ khỏi triết học thuần túy. (Crotty, 1998)
Ngược lại, hậu thực chứng luận (Postpositivism) lại không thừa nhận sự tuyệt đối và sự tin chắc. Karl Popper (1902-1994), người sáng lập ra nguyên lý kiểm định sai (Principle of Falsification) đưa ra một cách nhìn mới về thế giới loài người theo đó không thể chứng minh đúng hoặc làm rõ mọi thứ (Verifiable) nhưng có thể chứng minh sai (Falsifiable). Với ông, nghiên cứu khoa học là một tiến trình (on going process) kiểm định lại tính đúng đắn, đơn giản chỉ vì các nhà khoa học sẽ không bao giờ biết được chắc chắn rằng lý thuyết của họ có thể đứng vững trong tương lai hay không. Vì thế, lý thuyết phải có tính mở để được kiểm định. Sự không khẳng định (tentativeness), tính nhất thời (provisionality), tính xác suất (probabilistically) thay thế cho sự tin chắc. Rốt cuộc tính khách quan chỉ còn là mục tiêu lý tưởng mà thôi. Một thí dụ minh họa là việc đo nhiệt độ sôi của nước. Dù nhà nghiên cứu có đo bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng không hoàn toàn khẳng định được nước sôi ở 1000C. Tuy nhiên chỉ cần một lần quan sát được nước sôi ở nhiệt độ thấp hơn (hoặc cao hơn) trong điều kiện áp suất thay đổi, là đã có thể bác bỏ kết luận nước sôi ở 1000C chung chung, mà phải thêm vào điều kiện áp suất. Nguyên lý của Popper không loại trừ thực chứng nguyên thuỷ, mà chỉ đưa ra cách tiếp cận bổ sung để tiệm cận chân lý.
Nối tiếp và có phần đi xa hơn K. Popper là P. Feyerabend (1924 -1994) khi cho rằng khoa học cần phải tiếp nhận hệ thống các khái niệm bên ngoài khoa học, từ tôn giáo chẳng hạn (Crotty, 1998). Bằng cách nghi ngờ đến cùng cái gọi là sự thật tuyệt đối, Ông có vẻ như đặt chân vào ranh giới giữa nhận thức luận tạo dựng (Constructivism Epistemology) và nhận thức luận khách quan. Khoa học (xã hội) không còn ý nghĩa hợp lý và tiên đoán được, mà ẩn chứa các yếu tố lịch sử, có thể thay đổi và không tuyệt đối.
Vậy thì những phương pháp luận nghiên cứu (Research methodologies) nào bắt nguồn từ thực chứng luận áp dụng được trong khoa học xã hội? Đó là các phương pháp quan sát (Observation), nghiên cứu thực nghiệm (Experimental Research), nghiên cứu bằng khảo sát (Survey Research). Thật khó biết được có bao nhiêu lý thuyết đã được xây dựng bởi thực chứng luận, chỉ tính riêng nghiên cứu bằng khảo sát đã được ghi nhận là phương pháp nghiên cứu quan trọng nhất trong khoa học xã hội ứng dụng (W. Trochim, 2002).
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế khi áp dụng thực chứng luận vào khoa học xã hội. Trước hết, các biến cố xã hội có thể chỉ xảy ra duy nhất một lần và không bao giờ lặp lại hoặc được mô phỏng chính xác, do đó quan sát trực tiếp là điều không tưởng cho mọi nhà khoa học (Ví dụ: đối với hiện tượng suy thoái kinh tế thập niên 1930, các nhà kinh tế học hiện nay chỉ có thể nghiên cứu dựa trên những tài liệu lưu trữ còn sót lại được ghi nhận một cách khoa học cũng như không khoa học, chính xác cũng như không chính xác). Thứ hai, các hiện tượng xã hội không thể được “đóng khung” hoặc cách ly ra khỏi xã hội để quan sát. Ví dụ như một đứa trẻ (hay một trường, một lớp học) không thể được dạy dỗ riêng để đo lường khả năng của nó (hay của trường, của lớp) hoặc để đo lường hiệu quả của chương trình dạy. Cuối cùng, những gì mà các nhà khoa học quan sát được chưa chắc đã là sự thật hoặc hiện tượng thật. Xã hội và văn hóa được bện kết bởi những vô số những quan hệ hữu cơ trong khi kinh nghiệm và khả năng của các nhà khoa học thì có giới hạn. Chính vì lẽ đó, ngoài nền móng thực chứng, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội lại phải lần ra những hướng đi mới để xây dựng nên kiến thức.
3. Diễn dịch luận (Interpretivism)
Những nhà nghiên cứu chối bỏ các quan điểm thực chứng có thể tìm thấy diễn dịch luận (interpretivism) là một cách tiếp cận cứu cánh. Ban đầu diễn dịch luận gắn liền với tư tưởng của Max Weber (1864 – 1920), người đã cho rằng trong khoa học về con người (human sciences) chúng ta đề cập đến hiểu biết (Understanding) so với việc giải thích nguyên nhân (Causality Explanations) thường thấy trong khoa học tự nhiên (Crotty, 1998).
Không như kiến thức trong khoa học tự nhiên được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu thông qua các phương pháp trực tiếp (Direct methods) (1), kiến thức trong khoa học xã hội được xây dựng không chỉ bởi các nhà khoa học, mà còn bởi nhiều người khác trong xã hội. Hoạt động, ứng xử và những giả định hay tiên đề (assumptions)(2) của con người được xây dựng dựa trên các mối quan hệ tương tác trong xã hội. Các hiện tượng xã hội nổi lên là kết quả của các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân liên quan. Do đó các cá nhân tự hình thành các cảm nhận, hiểu biết riêng và trên hết là nghĩa hoặc cách hiểu (meaning) riêng về hiện tượng đó. Crotty (1998) đã đúc kết: “Đối với cùng một hiện tượng, rõ ràng là những người khác nhau có thể tạo dựng những cách hiểu riêng khác nhau”.
Những điểm giả định của diễn dịch luận chỉ ra rằng kiến thức được tạo dựng (Constructed) một cách xã hội (socially) từ các cách hiểu của các cá nhân. Luận điểm diễn dịch này đưa đến một tiếp cận nghiên cứu hoàn toàn khác – đó là thu thập các cách hiểu của mỗi người khác nhau. Đây là cách tiếp cận đến từng cá nhân (hay cách tiếp cận cá nhân hoá – individualising method) với trọng tâm là quá trình thu thập và diễn dịch các cách hiểu của các cá nhân. Vì lẽ đó, nhận thức luận tạo dựng (Constructionism) bao trùm hệ thức này.
Mỗi cá nhân lại có một hoàn cảnh và môi trường sống riêng trực tiếp tác động lên cách hiểu của cá nhân đó. Do vậy, văn hóa và lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và diễn dịch các cách hiểu. Hệ phái tương tác tượng trưng (Symbolic Interactionism) đòi hỏi phải xem xét các hiện tượng xã hội trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của nó. Vì thế nhà nghiên cứu phải tự đặt mình vào vị trí được quan sát (tức các đối tượng được nghiên cứu) để thấy được cách người khác nhìn nhận thế giới hầu giúp cho việc phản ảnh trung thực cách hiểu của người ta.
Có khá nhiều phương pháp luận nghiên cứu gắn với tương tác tượng trưng. Ví dụ như lý thuyết cơ sở (Grounded Theory) thực hiện nghiên cứu nhằm đưa ra lý thuyết trên cơ sở phân tích và quy nạp các dữ liệu định tính (qualitative) một cách có hệ thống. Dữ liệu định tính là các cách hiểu quan sát được. Nghiên cứu khảo sát (survey research) trong thực chứng cũng được thực hiện tương tự nhưng trên cả dữ liệu định tính và định lượng.
Ngược lại, hiện tượng luận (Phenomenology) nhìn ra những giới hạn của văn hóa. Bản thân nhà nghiên cứu cũng bị bao trùm bởi văn hóa và bị gắn kết chặt vào các tiền giả định (Presuppositions) hay cảm nhận. Do đó, hiện tượng luận đòi hỏi nhà nghiên cứu phải nhìn sự vật hiện tượng với càng ít (hoặc loại bỏ hẳn) các tiền giả định càng tốt. Hai đặc điểm được nhấn mạnh là tính khách quan và tính phê phán. Hiện tượng luận nhắc nhở các nhà nghiên cứu không được áp đặt các thành kiến và các tiền giả định lên dữ kiện, dữ kiện phải không bị làm méo mó. Nhà nghiên cứu phải tự xỏ chân mình vào giày của người khác, hay chui vào chăn người khác để đánh giá tình hình rận rệp cho đúng với cảm nhận của chủ nhân.
Là một hệ phái khác của diễn dịch luận, bình giảng luận (Hermeneutic) trước tiên là cách đọc để có thể hiểu một văn bản. Sau đó bình giảng luận phát triển một số phương pháp để không chỉ hiểu mà còn có thể diễn giải văn bản. Bình giảng luận có một số giả định, đó là nghĩa của văn bản không chỉ giới hạn trong nghĩa câu chữ thể hiện trong văn bản. Có một biên giới rộng hơn nhiều để có thể mở rộng nghĩa của văn bản, đó là bối cảnh văn hóa, xã hội của tác giả. Hiểu nội dung một văn bản không chỉ là nắm bắt nghĩa bề mặt (hiểu bởi câu chữ đơn thuần) mà phải đi sâu vào nắm bắt ý nghĩa và ý đồ của tác giả ẩn sâu trong đó mà ngay cả tác giả cũng không thể diễn đạt hết bằng câu chữ của mình – ý tại ngôn ngoại. Qua quá trình bình giảng, có thể hình thành nên nghĩa hay cách hiểu mà chưa từng được biết đến trước đó. Không chỉ đọc tác phẩm, người ta cần phải “đọc” cả tác giả để hiểu tác phẩm.
Bình giảng luận chỉ ra cách tiếp cận tới nghĩa toàn vẹn của văn bản trong đó phép biện chứng (Dialectic method) là một cách. Biện chứng nhằm vào việc khám phá nghĩa của văn bản dựa trên việc phân tích về mặt cú pháp. Có một sự độc lập giữa nghĩa của từng đoạn văn và nghĩa của cả văn bản.
Như vậy, nhà nghiên cứu phải chú ý đến “Vòng Bình giảng – Hermeneutic Circle”. Vòng bình giảng bắt đầu khi nhà nghiên cứu đặt mình vào bối cảnh lịch sử xã hội của tác giả để hiểu được toàn bộ nghĩa của văn bản. Sau đó nhà nghiên cứu tiếp tục vận dụng kiến thức và bối cảnh lịch sử xã hội của mình để chuyển ngữ. Vòng bình giảng cho phép tái hiện lại một cách đầy đủ nguyên nghĩa của văn bản trong bối cảnh mới.
Rõ ràng điều này có ý nghĩa đối với nghiên cứu. Bình giảng luận là quá trình để hiểu thấu đáo. Trong khoa học xã hội, nhà nghiên cứu không thể tự mình đo lường và hiểu hoàn chỉnh một hiện tượng xã hội, đơn giản vì có quá nhiều thứ hàm chứa trong nó. Vì thế, việc xem xét lại các nghiên cứu khác, các cách hiểu khác về hiện tượng đó là cần thiết. Tổng quan tư liệu (Literature review) là một bước mô phỏng cách tiếp cận bình giảng luận nhằm giúp cho nhà khoa học nắm bắt được ý nghĩa toàn diện của hiện tượng xã hội. Bước đi này không chỉ làm ngắn lại quá trình nghiên cứu mà còn nhằm đảm bảo tính khách quan và giá trị của nghiên cứu. Và bằng vào quá trình so sánh đối chiếu những phản ảnh khác nhau về hiện tượng xã hội, bằng vào việc trao đổi ý tưởng với những nhà nghiên cứu khác, các kết luận có tính chất đồng thuận mới có thể được đưa ra. Quá trình phản biện trong nghiệm thu các kết quả nghiên cứu cũng là cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, bình giảng luận lại phụ thuộc quá nhiều vào bối cảnh lịch sử xã hội mà trong đó những ý kiến, quan điểm chủ đạo chiếm ưu thế. Chính vì thế một hệ thức khác ra đời nhằm giải quyết phần còn khiếm khuyết này.
4. Phê phán luận (Critical Inquiry)
Cách tiếp cận khác chính là phê phán luận. Không như thực chứng luận và diễn lịch luận, phê phán luận không nhằm vào việc giải thích hoặc hiểu thực trạng xã hội theo số đông và quan điểm chủ đạo, mà nhằm vào việc đòi hỏi một luận điểm mới riêng để có thể thay đổi hiện trạng thế giới. Nhận thức luận chủ quan (Subjectivist Epistemology) bao trùm hệ thức này.
Theo đó, xã hội bị che phủ một cách hệ thống bởi thông tin dị dạng. Trong quá trình xây dựng kiến thức, những ý kiến của thiểu số thường đã bị bỏ qua do họ không có cơ hội bày tỏ cách hiểu, cách nghĩ. Mặt khác ý kiến của đa số chưa hẳn đã đúng (nhân tài như lá mùa thu, nên ý kiến của nhân tài có khi bị lấn át bởi đa số bình thường khác). Do đó trong nghiên cứu phải xem xét một cách toàn diện và quan sát trên tất cả các góc độ dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, luôn phải chú ý phản biện những ý tưởng chủ quan thiên lệch dù đa số nêu ra cũng chưa chắc đúng.
Một phương pháp luận nghiên cứu điển hình cho cách tiếp cận này là nghiên cứu hành động (Action Research). Nghiên cứu hành động tìm kiếm sự thay đổi trong từng đối tượng được nghiên cứu cũng như sự thay đổi hoàn cảnh của đối tượng được nghiên cứu. Phương pháp này đặc biệt hiệu nghiệm trong quản trị nhân sự, nơi đòi hỏi các giải pháp mang tính chất cá nhân và nhóm hơn là các giải pháp tổng thể.
Ngoài ra có thể nói cách tiếp cận theo kiểu khảo sát thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp thuộc vào phê phán luận. Như vậy, mục tiêu của các nghiên cứu loại này là nhằm để thay đổi, cải thiện hay hoàn thiện một hiện tượng xã hội cụ thể. Nghiên cứu loại này có tính áp dụng cao. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải hiểu và có tầm nhìn bao quát toàn bộ vấn đề trên mọi khía cạnh và theo tiến trình lịch sử của vấn đề, điều mà không nhiều nhà nghiên cứu riêng lẻ có thể thực hiện được. Như vậy, tính chủ quan của cách tiếp cận này có lẽ không phù hợp cho các nhà nghiên cứu còn ít kinh nghiệm và tầm tri thức. Bên cạnh đó, kiến thức cần phải được tạo lập trước khi có thể hoàn thiện hay thay đổi. Kết quả nghiên cứu của loại nghiên cứu này phải có tính mới, tính đột phá và tính sáng tạo đại diện cho cách nhìn hiện tượng xã hội theo hướng hoàn thiện nó, thay đổi nó. Bằng không, những giải pháp đưa ra có thể chỉ là những gợi ý võ đoán đậm tính chủ quan. Không có kết luận thì tốt hơn một kết luận tồi.
5. Một số luận điểm khác
Cũng có những luận điểm khác đang nổi lên như hậu hiện đại luận, (Postmodernism), nữ giới luận (Feminism). Tác động của những luận điểm này dừng lại ở mức trào lưu xã hội. Những lĩnh vực nghiên cứu như bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo có cách tiếp cận này. Tuy nhiên có lẽ còn sớm để có thể tổng kết lại các trào lưu này.
Ngoài ra, có cách phân loại nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng (Qualitative and Quantitative researches) dựa trên dữ kiện nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng dựa trên việc phân tích dự kiện dạng số, đặc biệt là mối tương quan giữa các biến số ghi nhận hay đo lường được từ các biến động xã hội. Ví dụ mối tương quan giữa thất nghiệp và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu định tính dựa trên dữ kiện không thể diễn tả dưới dạng số. Ví dụ như việc khảo sát các yếu tố tác động đến việc thay đổi tổ chức chẳng hạn, thật khó mà thu thập được dữ kiện dạng số bằng vào việc phỏng vấn các thành viên của tổ chức.
Tuy vậy, với những công cụ tính toán mới, đặc biệt là máy vi tính và phần mềm, dữ kiện dạng số và dữ kiện định tính có thể chuyển đổi qua lại (W. Trochim 2002). Vì thế việc phân biệt giữa hai dạng nghiên cứu này càng trở nên ít có ý nghĩa mà thường được kết hợp trong nghiên cứu khoa học xã hội.
6. Lựa chọn phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu khoa học
Như vậy có nhiều phương pháp tiếp cận nghiên cứu. Làm thế nào để chọn được phương pháp tiếp cận tốt nhất là câu hỏi quan trọng thứ hai của người làm nghiên cứu, sau câu hỏi quan trọng nhất “nghiên cứu cái gì”, tức tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu (research question). Một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học xã hội có thể gần với một nhận thức luận này hơn nhận thức luận khác. Do đó trước tiên nhà nghiên cứu cần quyết định chính xác câu hỏi nghiên cứu, sau đó tham khảo các nghiên cứu cùng loại đã được thực hiện để nhận biết được các phương pháp luận nghiên cứu đã được sử dụng. Cũng không nhất thiết phải nghiên cứu với cùng một phương pháp đã được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực đó. Với việc so sánh và đối chiếu các nghiên cứu đã thực hiện, nhà nghiên cứu có thể tự quyết định đi theo phương pháp đã được áp dụng phổ biến hay chọn một phương pháp mới. Cả hai cách đều có thể hé mở những kiến thức mới và bổ ích.
Kết luận
Xã hội khao khát vị Thần Chân lý có mặt để mọi người sống tốt hơn. Nhà thực chứng tin là có một vị Thần Chân lý, mọi người hãy đi tìm. Nhà diễn dịch phản bác lại rằng, mỗi người đều nhìn thấy một vị Thần Chân lý, vậy hãy đi tìm vị thần được nhiều ngươì nhìn thấy, đó chính là vị Thần Chân lý của xã hội.
Mặc kệ họ cãi nhau, nhà phê phán lại khăng khăng cho rằng, vị Thần Chân lý của xã hội chưa chắc đã là thật, còn nhiều vị khác mới đích thị là Thần Chân lý. Biết đâu Thần Chân lý là vị mà chỉ có một hay vài người thấy thì sao? Và nhà phê phán lật ngửa Thần Chân lý lên để bới lông tìm vết…
Nhưng bằng cách nào đi chăng nữa, một giọt chân lý được góp vào đại dương kiến thức chính là thành quả đích thực của nhà nghiên cứu ª
Chú thích:
(1) Direct methods: Nhà khoa học, bằng quan sát và thực nghiệm, tự nghiên cứu và khám phá ra các quy luật. Ví dụ: Luật vạn vật hấp dẫn của Newton (1642–1727) là do riêng ông khám phá ra, không phải đúc kết lại từ những người đi trước. 
(2) Assumptions: các giả định hay tiên đề. Ví dụ Khổng tử giả định rằng vua là trời con – thiên tử, hay Euclid giả định rằng qua hai điểm chỉ có thể kẻ được một đường thẳng mà thôi. Từ các giả định, hệ thống lý thuyết – tức các quy luật (tự nhiên) và quy ước (xã hội)- được xây dựng, ví dụ như Đạo Khổng, Hình học phẳng. Ví dụ về quy ước: vua muốn định đoạt thế giới thế nào cũng được – quân xử thần tử. Các giả định sai có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống lý thuyết phái sinh cũng như các trật tự xã hội được duy trì theo hệ thống lý thuyết đó 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Barlett, D. & Payne, S. (1997). ‘Grounded Theory – Its basis, rationale and procedures’. in Understanding Social Research: Perspectives on Methodology and Practice. McKenzie, G., Powell, J. & Usher, R. (eds). London: Falmer Press. (ch 13, pp 173-195)   2. Cherry, N. (1999a). ‘The status of action research as a research methodology’ in Action Research: A Pathway to Action, Knowledge and Learning. Melbourne: RMIT University Press. (ch 4, pp 53-64)
3. Cherry, N. (1999b). ‘Sustaining ‘critical subjectivity’ in reflective learning and action research’. in Action Research: A Pathway to Action, Knowledge and Learning. Melbourne: RMIT University Press. (ch 6, pp77-92)
4. Crotty, M. (1998). The Foundations of Social Research: Meaning and perspective in the research process. Allen & Unwin: St Leonards, NSW ISBN 1 86448 604 X
5. Kerlinger, F. (1986). ‘Science and the scientific approach’ in Foundations of Behavioural Research. 3rd ed. New York: Holt, Reinhart, and Winston. ch 1, pp 3-1
6. Lam, Nguyễn Hữu (2003): Hệ thức thực chứng trong khoa học xã hội. Tạp chí Phát triển Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, số 151 tháng 5, 2003, trang 39-40
7. Lam, Nguyễn Hữu (2003): Hệ thức diễn dịch, tạo dựng trong khoa học xã hội. Tạp chí Phát triển Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, số 154 tháng 8, 2003, trang 39-40
8. Sharkey, P. (2000). ‘Hermeneutic Phenomenology’ in Phenomenology. Robyn Barnacle eds Melbourne: RMIT University Press. (ch 2, pp 16- 37) 2. Usher, Robin: Understanding Educational Research, Routlege: London. Ch2, pp 9-32
9. Trochim. William M. (1999). The research methods knowledge base, 2nd edition
http://trochim.human.cornell.edu.
10. Usher, P. (1997) ‘Challenging the power of rationality’. in Understanding Social Research: Perspectives on Methodology and Practice. McKenzie, G., Powell, J. & Usher, R. (eds). London: Falmer Press. (ch 4, pp 42- 55)
11. Usher, Robin, ‘A Critique of the Neglected Epistemological Assumptions of Educational Research’, in Understanding Educational Research. Edited by David Scott and Robin Usher. Routledge: London. Ch 2, pp.9-32.
12. Y. Wadsworth, 1997: Ch 2: What is social research, in Do it yourself social research
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 171. THÁNG 1/2005

0 comments: