"Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được,con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi" - Victor Hugo.You can make a living by what you get, but you can make a life by what you give- Winston Churchill

Wednesday, August 24, 2011

Why PhD?

Học tiến sĩ để làm gì ?

Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ. Do đó, trong quá trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như phát hiện vấn đề, cách đặt giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, v.v… Đây là những kĩ năng mà bất cứ một nghiên cứu sinh tiến sĩ nào cũng phải có sau khi xong chương trình đào tạo.

Do đó, để có được học vị tiến sĩ, thí sinh phải làm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm chỉnh. Hai chữ “nghiêm chỉnh” ở đây rất quan trọng trong trường hợp Việt Nam, bởi vì rất rất nhiều nghiên cứu khoa học ở trong nước chẳng những không nghiêm chỉnh mà còn phạm quá nhiều sai sót. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị kinh doanh, quản trị hành chính, thì học vị tiến sĩ không cần thiết, và thí sinh không nên tốn thì giờ để đạt được học vị này.

Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.

Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business Administration). Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư. Xin nhắc lại: cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.
Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam
Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ về thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua. Nhưng học vị tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ 19. Đến giữa thế kỉ 19, học vị tiến sĩ được du nhập vào Mĩ. Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp học vị tiến sĩ cho sinh viên. Các đại học Anh cũng theo trào lưu và bắt đầu cấp học vị tiến sĩ từ năm 1919. Từ đó, học vị tiến sĩ trở nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới. Ở Mĩ, chỉ tính riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995. Ở Việt Nam, có 144 trung tâm đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ, và mỗi năm các trung tâm này thu nhận vào khoảng 1000 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo thống kê thì hiện nay VN có khoảng 6600 giáo sư và phó giáo sư. Vẫn theo thống kê, trong số 48000 giảng viên đại học, có 13% hay 6250 người có học vị tiến sĩ. Như vậy, có lẽ cả nước có khoảng 12000 tiến sĩ (kể cả những “phó tiến sĩ” sau một đêm thành “tiến sĩ”).

Nhưng trình độ của các tiến sĩ này ra sao? Trong bài Cả nước có bao nhiêu tiến sĩ thật, tác giả phản ảnh nhiều khiếm khuyết trong việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận văn, mua luận văn, nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học và dịch vụ, giải pháp, v.v… Thật vậy, theo bài báo này, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thì có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ. Chỉ cần đọc qua vài luận án đã được cấp bằng tiến sĩ, có lẽ chúng ta không khỏi mỉm cười:

"Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”.

''Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia đình hiện nay''.

“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”

“Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc đổi mới”.

“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang (1975 – 2000)

Đó là chưa nói đến sự lợi dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập đến với nhiều bức xúc. Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng y tá! Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ. Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là gì.

Trong bối cảnh như thế mà có quan chức nói đến chuyện có bằng tiến sĩ để có tư duy đột phá!

Như nói trên, học vị tiến sĩ là “giấy thông hành” để làm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm quan trọng của nghiên cứu khoa học là bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Nhưng với 6600 giáo sư và phó giáo sư, cộng với 6250 tiến sĩ, đáng lẽ Việt Nam phải công bố khoảng (ít nhất là) 6000 bài báo khoa học. Nhưng hiện nay, mỗi năm, Việt Nam công bố được chỉ khoảng 1000 bài báo khoa học. Con số này thấp nhất so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore.

Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS/PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn.

Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê.

Theo: nguyenvantuan.net

0 comments: