Tôi đang trong trong giai đọan cố gắng mở rộng phạm vi đề tài của blog và gia tăng số lượng người tham gia đóng góp bài cho blog, vì vậy tuần này tôi xin giới thiệu một bài viết của một học trò cũ-kiêm-đồng nghiệp đang theo học chương trình thạc sĩ ngành International Relations ở một trường đại học uy tín ở Anh. Nhận lời mời của tôi, tác giả đã cố gắng “nhín bớt thời gian ăn chơi” (theo đúng ngôn từ của tác giả dùng) để đặt bút viết một bài chia sẻ chút ít kinh nghiệm viết luận văn cho những ai dự định theo học chương trình Thạc sĩ ngành khoa học xã hội ở Anh. Mặc dù tác giả ghi chú bài viết dành cho đối tượng theo học chương trình Thạc sĩ khoa học xã hội ở Anh, nhưng tôi thấy nội dung bài viết cũng phù hợp cho nhưng ai sẽ học chương trình sau đại học ở Mỹ.
~.~.~.~.~
Kỹ năng viết luận ở trường đại học
Nếu một ngày đẹp trời nào đó, bạn được đi du học, ngoài quần áo, mỳ gói, nước mắm, bột nêm,… bạn chắc hẳn sẽ lo lắng về kỹ năng viết luận của mình. Nỗi lo này tăng lên gấp bội nếu bạn sắp học một ngành thuộc về nhóm khoa học xã hội. Nó càng tăng lên gấp chục lần nếu bạn sắp học một ngành khoa học xã hội mà chương trình giảng dạy sẽ khác rất nhiều so với chương trình cùng tên ở Việt Nam (tin buồn: hầu như ngành nào cũng vậy). Nỗi lo có thể giảm bớt chút ít nếu bạn chỉ mong muốn đối phó cho qua vì tiền học phí không phải là tiền của bạn (của ba mẹ chẳng hạn). Nghĩa là, nếu mong muốn của bạn chỉ là đạt điểm trung bình để tiếp tục nhận trợ cấp, cẩm nang này có thể giúp ích đôi chút.
Ghi chú: Dành cho chương trình Thạc sĩ khoa học xã hội ở Anh.
Các bước thực hiện:
1. Đặt câu hỏi: Bài luận là gì?
Sai. Câu hỏi đúng phải là: “Tại sao phải viết luận?” hay “Có cách nào không cần viết luận vẫn tốt nghiệp được không?”
Trả lời: Bài luận cần phải viết để được chấm điểm. Chấm điểm cần diễn ra để biết sinh viên hiểu vấn đề đến đâu. Điểm cần có để ghi vào tờ giấy đính kèm bằng tốt nghiệp.
Một khi đã hiểu ra rằng không có cách nào tốt nghiệp mà không cần viết luận, sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chấp nhận rằng, viết luận sẽ trở thành một phần cuộc sống của mình, từ đó có cái nhìn nhân ái hơn về nó. Viết luận là cơ hội thể hiện ý tưởng và quan điểm của mình (không phải ai cũng được quyền nói ra những gì mình nghĩ), và để rèn luyện kỹ năng tổ chức và phân tích (rất cần thiết cho cuộc sống sau này).
2. Đề bài
Đọc thật kỹ đề bài, gạch dưới những từ chính, đọc lại đề bài, nhấn giọng ở những từ chính (hay gạch dưới những từ chính lần thứ hai), đọc kỹ đề bài, đọc thật kỹ, đọc… thật… kỹ…
Xin lỗi vì nhắc đi nhắc lại, bởi vì tôi đã hơn một lần (không dám nói bao nhiêu lần) bị phê là lạc đề.
3. Đọc
Đừng nghĩ tôi lạc đề vì bài đang về kỹ năng viết, sao lại xuất hiện kỹ năng đọc? Không đâu, bởi vì đọc là giai đoạn rất quan trọng trước khi viết - không có đọc thì không có viết. Vì vậy, vấn đề ở giai đoạn này trở thành “làm sao đọc có hiệu quả.”
Bạn có thể tham khảo các bài viết khác chuyên về kỹ năng đọc, ở đây tôi chỉ xin trình bày ngắn gọn kinh nghiệm “đối phó” của tôi.
Đọc có mục đích. Cái thuở ban đầu ngu ngơ ấy, tôi cầm cuốn nào lên cũng đọc đầy đủ, bụng nghĩ thầm không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Nhưng tôi đã lầm to, bề ngang là bề ngang mà bề dọc là bề dọc, trong cái thời buổi sách vở nhiễu nhương gác đầy thư viện thế này, chưa kịp bổ bề nào thì hạn nộp bài đã tới. Vì vậy, hãy đọc chọn lọc! Tiêu chí để chọn chính là cái đề bài. Trước tiên, chọn tài liệu từ danh mục cần đọc của môn học, rồi nếu rảnh thì tìm thêm sách từ danh mục của thư viện. Đối với sách, cầm lên, đọc tựa đề, tác giả, mở ra, năm xuất bản, mục lục, tên chương, số trang, nhảy đến trang đó, liếc liếc, lật lật, liếc liếc, liên quan đến đề bài thì cầm, không thì trả sách lại lên kệ. Đối với bài báo (thường là bản điện tử) đọc tựa đề, tác giả, tên tạp chí, năm xuất bản, bản tóm tắt, không liên quan, nhấn x để đóng, nghi ngờ liên quan, kéo chuột xuống, vừa kéo vừa liếc, vừa kéo vừa liếc.
Bắt đầu đọc thật sớm. Thường mỗi môn học, đề bài viết được cho ngay từ tuần đầu tiên, cùng với danh mục sách cần đọc của môn. Ngay lúc đó, nếu bạn đọc danh sách các đề bài để chọn, bất kỳ đề tài nào cũng đại loại như “Hãy tả cô Hoa Thị Mộng Mơ ở phố Gà Mờ” và mồ hôi bạn lấm tấm trên trán, cô Mộng Mơ là ai, phố Gà Mờ ở đâu. Chỉ có một cách để tìm ra: bắt đầu liếc ngay các tài liệu cần phải đọc của môn học đó.
Ghi chú khi đọc. Trước tiên, ghi chú tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, cứ như thể bạn sẽ gõ nó trong phần sách tham khảo ở mỗi bài viết. Sau đó thì ghi chú những nội dung khác tuỳ thích.
Một vài gợi ý khác. Có những cuốn sách dễ đọc (như truyện tranh), có những cuốn không thể nào nhai nổi (tất cả đều nằm trong danh mục sách cần đọc). Bạn cần có chiến thuật dự phòng để tiếp cận nguồn tri thức đóng kín đó. Google tên sách, tên tác giả rồi gõ thêm từ “review”, hy vọng rằng ai đó đã từng giải mã được cuốn sách sẽ chia sẻ chút ít với bạn. Hoặc vào lớp, nhìn quanh, thế nào mỗi lớp cũng sẽ có một anh chàng mắt kính thật dày, đầu tóc hơi rối, mặt mũi khôi ngô, người mà bạn nhủ thầm, “ôi, chàng sẽ ở trong trường đại học suốt đời vì cuộc đời ngoài kia rất tàn nhẫn,” bạn sẽ tìm cách tiếp cận chàng, khẽ nhắc đến tên những quyển sách kia, và chàng sẽ tự động tuôn ra nội dung quyển sách như cái máy tự động ở căng tin tuôn ra cà phê mỗi khi được bỏ tiền vào.
4. Viết
Hoá ra cái giai đoạn mà bạn tưởng là đầu tiên lại nằm tít dưới này.
Outline. Đừng bao giờ viết mà không có outline! Nếu muốn, thì cứ viết không có outline, nhưng đừng bao giờ hỏi tại sao điểm thấp.
Outline là gì? Outline là bộ xương của bài, như cơ thể con người vậy, thịt có thể đẹp, nhưng xương không vững thì đừng mong đi đứng gì được.
Bộ xương của mỗi bài luận gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết luận. (Đừng ngáp!) Mở bài chiểm khoảng 7-8% toàn bộ bài, kết luận 12-15%, còn lại là thân bài. Phần mở bài, sau khi à ơi đưa đẩy, bạn nhất thiết phải nói rõ mình định làm gì trong bài, nghĩa là lặp lại máy móc hay sáng tạo cái đề bài, kèm theo miêu tả bài văn sẽ gồm phần một nói về cái này, phần hai nói về cái kia, phần ba nói về cái nọ… Phần kết luận sẽ hao hao anh em cột chèo với phần mở bài, cũng lặp lại cái đề bài, tóm tắt lại những gì mình đã nói. Tuyệt đối đừng bao giờ bắt chước phim Hồng Kông câu khách bằng cách gợi ra đề tài mới trong phần kết luận.
Phần đau khổ nhất là phần thân bài. Có truyền thuyết cho rằng giáo sư chỉ đọc mở bài với kết luận thôi rồi cho điểm, nhưng trong khi đợi truyền thuyết được kiểm chứng, tốt hơn hết cứ lên kế hoạch cho phần thân bài. Đây là phần liên quan mật thiết đến phần kỹ năng đọc ở trên. Nhờ đã đọc, đã ghi chép, đã suy nghĩ, bạn mới có thể biết mình sẽ viết những gì. Lúc đọc, bạn sẽ rất hoang mang, giống như khi bạn giũ một tấm thảm cũ, bụi tung mù mịt, nhưng khi bụi lắng xuống, hy vọng bạn sẽ thấy ra cái gì đó (vài con bọ chét chẳng hạn). Hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng nhảy ra vù vù, bạn hãy tóm lấy chúng và nhóm chúng lại, ý tưởng nào thừa thãi thì bỏ đi, đừng tham lam. Các nhóm ý tưởng sẽ là phần thân bài. Nhưng bạn phải nhớ là ý tưởng này là từ quyển sách nào nhảy ra và ghi rõ, đừng dại dột nghĩ rằng đó là ý tưởng của mình và phạm phải lỗi lầm to lớn nhất đời sinh viên là đạo văn. Và cũng đừng cãi chày cãi cối đấy là ý tưởng độc nhất vô nhị của riêng mình, bởi vì đâu đó, trong những dãy sách vô tận nằm im lìm trên kệ, một quyển sách nào đó đã nhắc đến nó rồi. Bất hạnh thay, chính ông thầy của bạn đã viết quyển sách đó. Thế thì tại sao, thay vì đưa mình ra chịu trận, bất kỳ những gì bạn nói, bạn viết, hãy tìm một bức bình phong nào đó che chở. Anh hùng Núp vẫn là anh hùng kia mà!
Ngôn ngữ. Ngôn ngữ dùng trong các bài luận thật đáng chán, nghiêm túc và cứng nhắc, không thể nào du dương, bay bổng. Biết sao được, nó vốn là vậy. Từ ngữ là da thịt của bài, đắp lên bộ xương đã có. Da thịt cũng cần đẹp, nhưng thông thường cứ theo đúng 3 phương châm sau là được,
nghiêm túc (không viết tắt, không tiếng lóng, không văn nói),
rõ ràng (ý của tôi là vầy, tôi muốn nói đúng cái ý này chứ không phải ý kia),
mạch lạc (câu sau của tôi liên quan đến câu trước, đoạn sau của tôi liên quan đến đoạn trước, cả bài của tôi là một khối thống nhất)
Nếu học ở Anh, bạn phải dùng tiếng Anh. Tiếng Anh hơi khác tiếng Mỹ. Nếu bạn đọc sách do người Mỹ viết, đôi lúc bạn gật gù tâm đắc sao mà họ viết rõ ràng dễ hiểu đến vậy. Nếu bạn đọc sách do người Anh viết, bạn vò đầu bức tóc không hiểu tác giả đang giấu điều gì sau những trang sách tiếng Anh mượt mà, đầy kín những danh từ mà bạn nghi ngờ chúng có họ hàng với tiếng Latin! Bản thân tôi luôn gặp vấn đề với những ông thầy người Anh chính gốc, đa số bài viết của tôi cao điểm hơn nếu giáo sư là người Mỹ hay người Đức. Tuy nhiên, tôi vẫn trung thành với nguyên tắc của mình. Đơn giản vì trình độ tiếng Anh của tôi không cho phép tôi bay bổng; đơn giản hơn nữa là tôi cần hiểu được mình đang viết cái gì.
5. Kiểm tra
Sau khi viết xong, nếu còn thời gian, bạn nên đọc lại và kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, lập luận… Còn thời gian nữa thì nhờ bạn bè đọc giúp và góp ý.
Vậy là xong. Chúc bạn may mắn.
Nguyễn Thanh Bình
0 comments:
Post a Comment