Có lẽ câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là: thế nào là thành công trong khoa học? Giới khoa học đã phát triển những thước đo để định lượng sự thành công của một nhà khoa học. Những thước đo này bao gồm các chỉ số cụ thể như số công trình khoa học, chất lượng công trình khoa học, đạt chức danh giáo sư, thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và được trao giải thưởng trong chuyên ngành (3). Một đo lường thành công khác là dựa vào lí thuyết vị lợi (Utilitarian theory), tức là dựa vào khái niệm cái gì tốt phải tốt hay đem lại phúc lợi cho cộng đồng (4). Để đáp ứng định nghĩa “thành công” trên, tôi sẽ lấy kinh nghiệm cá nhân cọ sát với môi trường và văn hóa khoa học ở nước ngoài để cung cấp cho các bạn một số lời khuyên cụ thể như sau:
Thứ nhất là nên chọn cho mình một chương trình học, một hướng đi. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình phải biết mình muốn làm gì và hoàn thành cái gì trong cuộc đời, để từ đó chọn cho mình một hướng đi, một môn học cho thích hợp. Có hướng đi, rồi mới đặt ra “outcome” (chỉ tiêu về thành quả) là gì, và cứ thế mà phấn đấu. Nhiều bạn trẻ khi học xong không biết mình muốn làm gì, và mất định hướng, và đó là một điều đáng tiếc. Theo tôi, định hướng chung là đem lại phúc lợi cho cộng đồng, cho dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Và, trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ làm gì để đưa đất nước mình lên một tầm cao hơn trên trường quốc tế là một định hướng chung mà các bạn trẻ nên nghĩ đến. Từ định hướng chung rồi sẽ vạch ra những định hướng cụ thể cho từng cá nhân.
Một trong những vấn đề thường hay thấy ở giới trẻ là họ mất định hướng. Nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp cho biết họ cảm thấy bỡ ngỡ, không biết ngành nghề mình chọn có “đúng” hay không. Từ hoang mang dẫn đến nghi ngờ về văn bằng. Có người thậm chí nghĩ rằng mình đã lãng phí thời gian theo học đại học! Tuy nhiên, theo tôi, học hành không bao giờ là một sự lãng phí. Sau khi đã xong chương trình bậc cử nhân, bất cứ ngành nào, người tốt nghiệp đã có một kiến thức về thế giới quan, được rèn luyện để có một cái nhìn tổng thể hơn và được trang bị một tư duy logic và phân tích, tức là những kiến thức và kĩ năng cơ bản rất quan trọng cho bất cứ công việc nào. Chẳng hạn như sinh viên ngành xã hội học, thậm chí nhân văn, vẫn có thể áp dụng những kiến thức và kĩ năng xã hội nhân văn vào những công việc liên quan đến khoa học thực nghiệm. Có một nghiên cứu ở Mĩ cho thấy những bác sĩ y khoa giỏi thường là những người có bằng cấp cử nhân về nhân văn (arts) trước khi theo học y khoa. Do đó, tôi thấy học bất cứ ngành nào, nếu học cẩn thận và chuyên sâu, vẫn rất có ích cho công việc hàng ngày dù công việc đó không đúng với ngành nghề mình tốt nghiệp.
Thứ hai là phải kiên trì theo đuổi định hướng của mình. Trong khi học hành hay làm nghiên cứu, điều đại kị là bỏ cuộc, vì do nãn chí hay do lí do nào khác. Trong quá trình làm khoa học, có thể vài kết quả không xảy ra như ý muốn của mình, hay trong quá trình học hành nhiều khi thành quả không như mình mong đợi, và nên xem đó là chuyện bình thường. Quan trọng nhất là không nên đầu hàng với khó khăn, mà phải suy nghĩ tìm cách khắc phục khó khăn. Nguyễn Bá Học từng nói “Đường đi khó, không khó gì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Người phương Tây cũng có câu tương tự: “If there is a will, then there is a way” (nếu có ý chí thì phải có hướng đi). Do đó, không nên vì một vài thất bại mà thối chí, mà phải kiên trì theo đuổi mục tiêu cho bằng được. Có thể không thể hoàn thành bây giờ, nhưng vẫn phải đặt mục tiêu dài hạn cho tương lai.
Thứ ba là chọn trường hay trung tâm tốt. Những trường hay trung tâm tốt, có tiếng trên thế giới là những nơi lí tưởng để học hỏi và làm việc. Người Việt chúng ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, và tôi thấy đây là một câu nói rất thích hợp cho các bạn đang trong quá trình phấn đấu để chọn cho mình một nơi để trao dồi kiến thức và đóng góp cho khoa học. Trong bất cứ ngành nào cũng có nhiều trường đào tạo tiến sĩ hay thạc sĩ, nhưng chất lượng không đồng đều nhau. Trường tốt và có đẳng cấp quốc tế thường đòi hỏi nghiên cứu sinh cao hơn trường bình thường. Trong bóng đá người ta phân biệt giữa đẳng cấp và phong độ; một phân biệt tương tự cũng áp dụng trong khoa học.
Các trường và trung tâm có tiếng là nơi mà sinh viên có cơ hội gặp và trao đổi ý tưởng với những người rất thông minh, hoặc những người ở một “đẳng cấp quốc tế” mà mình có thể học rất nhiều từ họ. Còn những trường xoàng xỉnh thì cơ hội tiếp cận tri thức khoa học tiền phong rất thấp. Đối với nghiên cứu sinh Việt Nam thì có lẽ đây là điều hơi khó, bởi vì nhiều khi người ta cho học bổng mà mình không có lựa chọn, nhưng vẫn phải suy nghĩ đến “hậu sự”, khi tốt nghiệp mình sẽ tiếp cận hay làm việc ở một nơi có tiếng tốt.
Thứ tư là nên chọn thầy cô tốt. Những thầy cô “tốt” ở đây không chỉ là những người có tiếng trên trường quốc tế, mà còn là những người có cách đào tạo nghiên cứu sinh tốt. Thầy cô có tiếng chỉ làm những nghiên cứu tiền phong và có giá trị cao, và họ ở một đẳng cấp rất khác với đám đông. Làm việc hay theo học với thầy cô nổi tiếng, nghiên cứu sinh có lợi thế là cũng được “thơm lây”, được hưởng lợi từ danh tiếng của thầy cô mình.
Thầy cô danh tiếng là một điều tốt, nhưng tử tế là một điều tốt khác. Trong khoa học, có nhiều dạng thầy cô, trong đó có thể kể đến 3 dạng chính: linh hoạt, độc tài, và vua chúa. Thầy cô linh hoạt là người chỉ định hướng cho nghiên cứu sinh, ít can thiệp, và hay tạo điều kiện để nghiên cứu sinh tự do theo đuổi ý tưởng của mình. Thầy cô độc tài là người đòi kiểm soát tất cả những gì nghiên cứu sinh làm và phải làm theo ý của họ, dứt khoát không cho nghiên cứu sinh tự do theo đuổi ý tưởng của mình. Dạng thứ ba là những thầy cô có tính vua chúa, xem nghiên cứu sinh như là nô lệ, là máy sản xuất bài báo để cho họ tiến thân hay hưởng lợi từ công trình của nghiên cứu sinh. Những thầy cô cấp giáo sư thật thụ thường là người linh hoạt, còn dạng độc tài và vua chúa thường là giáo sư cấp thấp hay những người đang phấn đấu để thành giáo sư thực thụ. Trong thời đại internet, không khó mấy để nhận ra những người thầy cô có tiếng, nhưng khó mà biết thầy cô đó thược dạng linh hoạt, độc tài, hay vua chúa. Thật ra, có thể nhìn qua các bài báo trước của các giáo sư và xem vị trí tác giả của họ cũng có thể đoán được họ thuộc thầy cô dạng gì.
Thứ năm là phải tương tác và hợp tác với đồng nghiệp. Tôi nghiệm ra một điều là để nâng cao năng suất khoa học, nhà khoa học phải tương tác và hợp tác với đồng nghiệp khác chuyên ngành. Nhiều ý tưởng hay thường xuất phát từ những mối tương tác như thế. Không bao giờ chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề theo cái nhìn của ngành mình, mà phải hỏi các đồng nghiệp ngành khác xem họ nghĩ gì về ngành mình và cách làm của mình. Chẳng hạn như các chuyên gia ngành vật lí có khi có những ý tưởng hay cho ngành y khoa, và trong thực tế sự phối hợp của hai ngành này đã dẫn đến nhiều khám phá quan trọng.
Thứ sáu là lúc nào cũng nhìn về cái “big picture” – bức tranh lớn. Làm khoa học, như chúng ta biết là tập trung vào những vấn đề nhỏ, rất chi li, rất chi tiết (gọi là reductionism), nhưng nếu chỉ vùi đầu vào những chuyện như thế thì khó mà đi xa được. Vì thế, dù tập trung tâm trí và sức lực vào “chuyện nhỏ”, nhưng lúc nào cũng phải có cái nhìn tổng thể của chuyên ngành để biết mình đang ở đâu và đặt công trình của mình trong bối cảnh của bức tranh toàn cục. Có cái nhìn toàn cục cũng là một cách định hướng tốt cho giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ.
Thứ bảy là nắm lấy phương pháp. Khoa học nói cho cùng là vấn đề phương pháp. Người nào nắm lấy được phương pháp, người đó sẽ ở vị trí “thượng tôn”. Nắm lấy phương pháp và kĩ thuật dễ giúp cho mình trở thành một người độc lập, không phụ thuộc vào người khác. Tôi thấy nhiều nhà khoa học cấp giáo sư phương Tây họ nói rất giỏi, nhưng khi đụng đến phương pháp thì họ rất yếu. Làm chủ được phương pháp và kĩ thuật, nhà khoa học có trong tay một “vũ khí” hay một phương tiện quan trọng để có thể thích ứng trong nhiều tình huống. Điều này đòi hỏi nghiên cứu sinh cần phải học từ căn bản, chứ không phải chỉ ứng dụng những gì người khác đã làm sẵn. Nắm lấy được phương pháp còn có hiệu quả là sau này nghiên cứu sinh có thể trở thành độc lập và huấn luyện lại cho thế hệ sau.
Thứ tám là tập thói quen hoài nghi và đặt vấn đề, phát hiện vấn đề. Nhiều phát hiện qui luật bình thường trong khoa học bắt đầu từ những quan sát bất bình thường. Do đó, phải tập cho mình một tính hoài nghi, không phải là kiểu hoài nghi bác bỏ ý kiến người khác (tức không phải như cynicism), mà là đặt câu hỏi tại sao: tại sao có sự bất bình thường. Từ đó, tìm hiểu, suy nghĩ, và tìm cách giải thích sự bất bình thường.
Ngoài một số sinh viên xuất sắc của ta, tôi thấy đứng trên bình diện quần thể mà nói, sinh viên Việt Nam nói chung thiếu kĩ năng đặt vấn đề và đó là một khiếm khuyết khi theo học hậu đại học. Ở những năm đầu đại học sinh viên Việt Nam học tương đối giỏi, nhưng khi lên đến cấp nghiên cứu sinh (tức lúc đòi hỏi một sự độc lập trong học hành và sáng tạo) thì sinh viên Việt Nam yếu kém rõ rệt. Điều này đúng vì mỗi khi tôi đọc lại sách xưa thấy người xưa cũng nhận xét như thế rồi. Chẳng hạn như cách đây hơn 60 năm, cụ Đào Duy Anh, khi nhận xét về tính cách của người Việt, viết: "Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. ... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Vì số nghiên cứu sinh ít, và cũng không bao nhiêu người theo đuổi con đường khoa bảng, nên chúng ta không có nhiều nhà khoa học, và càng ít những nhà khoa học.
Có lẽ chúng ta không có thói quen hoài nghi. Có thể nói từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Hệ thống giáo dục của nước ta ngày xưa được bắt chước theo mô hình giáo dục của Trung Quốc. Hệ thống này đòi hỏi người học sinh phải tuân theo sách vở một cách máy móc, và không khuyến khích sự tự do tìm tòi, thử nghiệm, hay chất vấn. Khi người Pháp vào Việt Nam, mục tiêu của hệ thống giáo dục Pháp là đào tạo những thầy thông, thầy phán, hay quan chức để thực thi đường lối chính sách của người cai trị. Ngay cả ngày nay báo chí nêu hiện tượng người ta theo học thạc sĩ hay tiến sĩ chỉ vì để thăng quan tiến chức, chứ không phải để làm khoa học. Hậu quả là định hướng học tập đó làm cho người học sinh tiêm nhiễm cái tâm lí hám danh và sính bằng cấp, học ra để làm quan, làm ông nghè hay nhằm giật được một mảnh bằng để làm rạng danh gia đình hay khoe cùng người hàng xóm, chứ không nhằm đóng góp kiến thức hay mang lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Hệ quả là sinh viên không được khuyến khích đi tìm hiểu những sự việc, hiện tượng chung quanh chúng tôi xảy ra như thế nào và tại sao? Kết quả cuối cùng là nhiều thế hệ sinh viên không có cơ hội nghiên cứu khoa học, và kiến thức về người Việt Nam và đất nước Việt Nam lại nằm trong tay của người nước ngoài.
Thứ chín là rèn luyện kĩ năng thông tin và truyền đạt. Đây là một điểm yếu của nghiên cứu sinh người Việt mình. Tôi thấy có nhiều sinh viên làm giỏi, nhưng đến khi trình bày những nghiên cứu thì họ trở nên lúng túng, có khi ngờ nghệch! (Trong khi đó, có không ít nghiên cứu sinh Mĩ hay Úc họ nói cực kì hay, nhưng làm thì rất dở!) Do đó, để thành công trong khoa học, không thể nào xem nhẹ các kĩ năng về thông tin và truyền đạt. Tôi vẫn nghĩ các đại học Việt Nam nên có những lớp học dạy cho sinh viên những kĩ năng về thông tin để họ không bị thiệt thòi khi ra “đấu trường” quốc tế. Tôi có nhiều kinh nghiệm và bài học “đau thương” về vấn đề này khi mới vào học, nên tôi rất tâm huyết và quyết tâm chia sẻ nhiều bài học với các bạn trẻ hơn để họ không phải như tôi mấy chục năm về trước.
Thứ mười là lúc nào cũng giữ mình đứng vị trí trên hay tiếng Anh gọi là “stay above”. Trong hoạt động khoa học, nhất là đối với giới trẻ, đôi khi có những va chạm và tranh chấp với đồng nghiệp khác, hay bị đồng nghiệp chỉ trích. Ngày xưa, lúc còn trẻ, tôi rất hăng tranh luận trên các tập san khoa học (và cũng bị người khác chỉ trích). Lúc đó, sếp tôi dạy cho là phải “stay above” (chắc cũng giống như cách hành xử của người “quân tử” ngày xưa), tức là phải đứng trên những tranh chấp đó, và tập trung vào việc mình làm, chứ không nên dính dáng vào những tranh luận có thể làm giảm sự tập trung và làm lạc định hướng của mình.
Riêng đối với các bạn nữ, tôi có lời khuyên như thế này: trong khoa học, không có thái độ “thục nữ”, mà phải tỏ ra mình ngang hàng với nam giới. Truyền thống Việt Nam và Á châu thường khuyên nữ giới nên có thái độ thục nữ, như ăn nói nhỏ nhẹ, nhường nhịn, khiêm cung, v.v… Nói chung là những lời khuyên khá ... thụ động. Thật ra, những lời khuyên đó cũng chẳng có gì quá đáng hay sai, nhưng tôi thấy không thích hợp trong hoạt động khoa học. Có lẽ từ những lời khuyên “thục nữ” đó dẫn đến hệ quả là nhiều nghiên cứu sinh nữ khi ra nước ngoài học có thái độ nhún nhường so với đồng môn nam giới, ít tranh luận, hay tranh luận thì nói … nhảm. Đó là một sự thiệt thòi. Nhưng trong khoa học không có những vị trí của thục nữ, mà là bình đẳng và đối đầu với dữ liệu thực tế. Trong khoa học, nữ (hay nam) nên tỏ ra quả quyết (assertive) và kiên trì trong thảo luận, chứ không nên nhún nhường bất cứ ai. Xin nói lại là kiên định và quả quyết -- chứ không phải gây hấn hay hung dữ (aggressive)!
Trong thời đại ngày nay, tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc học hành và làm việc. Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh là ngôn ngữ của khoa học và học thuật ngày nay. Các hội nghị quốc tế đều dùng tiếng Anh. Hầu hết các tạp chí khoa học quốc tế cũng dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chuyển tải thông tin. Vì thế, để thành công trong khoa học, các bạn trẻ phải quyết tâm (xin nhấn mạnh: tôi nói “quyết tâm”) học tiếng Anh cho thật tốt, không để mình bị thiệt thòi so với các đồng nghiệp phương Tây.
Trên đây là những lời khuyên cụ thể xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Chắc chắn những lời khuyên trên chưa đầy đủ, nhưng cũng cung cấp cho các bạn một số thông tin để định hướng trở thành một nhà khoa học thành công – thành công hiểu theo nghĩa đem lại phúc lợi cho cộng đồng và đất nước.
Đọc thêm:
1. Yewdell JW. How to succeed in science: a concise guide for young biomedical scientists. Part I: taking the plunge. Nature Reviews Molecular Cell Biology 9, 413-416.
2. Yewdell JW. How to succeed in science: a concise guide for young biomedical scientists. Part II: making discoveries. Nature Reviews Molecular Cell Biology 9, 491-494.
3. Resnik DB. The Ethics of Science: An Introduction (Routledge: London and New York, 1998)
4. Goodin RE. Utility and the Good’ trong P. Singer (ed.) in A Companion to Ethics (Blackwell, 1991)
0 comments:
Post a Comment